TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

Thứ sáu - 14/06/2024 14:01 198 0

Luật Phòng, chống rửa tiền mới (sau đây viết tắt là Luật PCRT năm 2022) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 03 năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố (Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 08/02/2023) nhằm trao đổi cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến, kiểm tra, giám sát các tổ chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với chức năng thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tây Ninh triển khai đến các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng Luật PCRT năm 2022 và các văn bản pháp luật có liên quan, nhằm thiết lập và hoàn thiện các quy định nội bộ, báo cáo kịp thời hoạt động PCRT, nâng cao năng lực nội bộ của tổ chức, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, tuân thủ đúng quy định pháp luật, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu và phòng chống tội phạm tài chính.

I. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

1. Luật số: 14/2022/QH15 Luật Phòng, chống rửa tiền, ngày 15/11/2022.

2. Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

3. Thông tư 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa (TT 09).

4. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Nghị định số 143/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP.

II. CÁC NỘI DUNG CẦN QUAN TÂM THỰC HIỆN

1. Đối tượng áp dụng và đối tượng báo cáo theo Luật PCRT năm 2022:

“ Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tài chính.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.

4. Tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

Điều 4. Đối tượng báo cáo

1. Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Nhận tiền gửi;

b) Cho vay; c) Cho thuê tài chính;

d) Dịch vụ thanh toán; đ) Dịch vụ trung gian thanh toán;

e) Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền;

g) Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;

h) Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;

i) Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;

k) Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;

l) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;

m) Đổi tiền.

2. Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

 a) Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;

b) Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;

c) Kinh doanh kim khí quý, đá quý;

d) Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;

đ) Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.”

2. Xây dựng, ban hành quy trình, quy định nội bộ (Thông tư 09)

Đối tượng báo cáo xây dựng và ban hành:

- Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền (Điều 4 - TT 09)

- Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền (Điều 5, TT 09)

3. Các giao dịch phải báo cáo (Điều 25, 26 và 34 của Luật PCRT năm 2022)

- Điều 25 quy định báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên.

- Điều 26 quy định báo cáo giao dịch đáng ngờ, theo Điều 7 Thông tư 09.

- Điều 34 quy định báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, bao gồm (1) báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước (điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 09) có giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương và (2) báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế (điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 09) có giá trị từ 1.000 (một nghìn) đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương.

Khi phát sinh giao dịch phải báo cáo phải thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo theo thời gian như sau:

+ Giao dịch có giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền trong nước, giao dịch chuyển tiền quốc tế bằng hình thức điện tử: trước 16 giờ ngày làm việc tiếp theo. Trong thời hạn 02 ngày làm việc trong trường hợp báo cáo bằng bản giấy (khoản 1 Điều 37 Luật PCRT năm 2022 và khoản 2 Điều 10 TT 09)

+ Báo cáo giao dịch đáng ngờ bằng hình thức văn bản: trong 03 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch hoặc 01 ngày làm việc từ ngày phát hiện được giao dịch đáng ngờ (khoản 2 Điều 37 Luật PCRT năm 2022).

4. Xác định, lựa chọn hình thức báo cáo (Luật PCRT năm 2022)

Đối tượng báo cáo lựa chọn hình thức báo cáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghiệp vụ của mình căn cứ quy định tại Điều 36 Luật PCRT năm 2022 theo một trong hai hình thức báo cáo gửi dữ liệu điện tử hoặc bằng văn bản giấy. Cục PCRT khuyến nghị các đối tượng báo cáo sử dụng hình thức báo cáo dữ liệu điện tử để đảm bảo tính chính xác, kịp thời của báo cáo về PCRT.

5. Yêu cầu đối với hình thức báo cáo bằng văn bản

- Đối tượng báo cáo chỉ phát sinh giao dịch báo cáo có giá trị lớn phải báo cáo theo Điều 25 Luật PCRT 2022 (Phụ lục I, TT 09)

- Báo cáo giao dịch đáng ngờ (Phụ lục II, TT 09) - Chỉ phù hợp với đối tượng báo cáo ít phát sinh giao dịch

- Chưa thiết lập hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho việc báo cáo (Khoản 1 Điều 6 TT 09)

6. Thực hiện báo cáo bằng văn bản

- Thu thập, tổng hợp thông tin theo mẫu biểu đính kèm Thông tư 09. Phụ lục I đối với báo cáo giao dịch có giá trị lớn, Phụ lục II đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ

- Ký xác nhận, đóng dấu và gửi qua bưu điện cho Cục PCRT (địa chỉ Cục Phòng, chống rửa tiền, 504 đường Xã Đàn, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Điện thoại liên hệ số 024.39392252 đối với báo cáo giao dịch có giá trị lớn, số 02439392253 đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ)

- Tổng hợp file excel (xls) lưu tại đối tượng báo cáo và gửi cho Cục PCRT khi có yêu cầu.

7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong PCRT (Luật PCRT năm 2022)

Tại Điều 8 Luật PCRT 2022 quy định các hành vi sau bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền:

- Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền.

- Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.

- Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.

- Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

- Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

8. Vi phạm quy định về PCRT (Nghị định số 88/2019/NĐ-CP)

Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định cụ thể như sau: (Các hành vi vi phạm theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP sẽ có mức xử phạt bằng tiền đối với từng hành vi cụ thể).

- Điều 39 - Vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng;

- Điều 40 - Vi phạm quy định về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền;

- Điều 41 - Vi phạm quy định về nhận biết, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro;

- Điều 42 - Vi phạm quy định về việc xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị;

- Điều 43 - Vi phạm quy định về kiểm toán nội bộ trong phòng, chống rửa tiền, rà soát khách hàng và giao dịch, quan hệ ngân hàng đại lý;

- Điều 44 - Vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, báo cáo hành vi tài trợ khủng bố;

- Điều 45. Vi phạm quy định về trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản; niêm phong hoặc tạm giữ tài sản;

- Điều 46. Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố Trên đây là một số nội dung lưu ý trong thực hiện Luật PCRT 2022 và các văn bản pháp luật có liên quan đến các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng Luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Trong quá trình thực hiện các đơn vị có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh (Qua Thanh tra, giám sát ngân hàng), địa chỉ số 134 Trần Hưng Đạo, Phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh - điện thoại 02763822034, 02763827123 - Email: thanhtra_tni@sbv.gov.vn ./. 

Tác giả bài viết: Thanh Tiến (Tổng hợp)

Nguồn tin: pbgdpl.tayninh.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay1,743
  • Tháng hiện tại48,378
  • Tổng lượt truy cập1,252,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây