Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên hiện nay

Thứ ba - 11/02/2025 18:27 15 0

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; trong đó, tư tưởng của Người về quân sự, quốc phòng mà cốt lõi là tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần tiếp tục được quán triệt, vận dụng trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là sinh viên – “chủ nhân tương lai” của đất nước.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”1. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi, động viên các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần, lực lượng trong xã hội tập hợp, đoàn kết lại để “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”2. Hay trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”3.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng lòng chiến đấu, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đứng trước muôn vàn khó khăn khi đất nước mới giành được độc lập, tự do, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có thế hệ trẻ. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường, Người khuyên nhủ: “Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”4. Người còn nhắc nhở các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể phải hết sức coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với nhân dân cả nước, lớp lớp các thế hệ thanh niên, sinh viên đã xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu và có nhiều tấm gương đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân...”5. Quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương chiến lược của Đảng, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc, thiết thực tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đã đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời, trang bị những kiến thức, kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta hiện nay đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; trong đó, thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên là đối tượng trọng điểm mà chúng hướng tới. Cùng với đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội,... đang tác động trực tiếp đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của thế hệ trẻ. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên với những nội dung, giải pháp đồng bộ.

Trước hết, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, truyền thống đánh giặc của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho sinh viên. Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu vai trò to lớn của tầng lớp thanh niên, sinh viên trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, kiến thiết nước nhà. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”6. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, thanh niên, sinh viên là lực lượng đông đảo, có sức trẻ, khát vọng, khả năng tiếp thu tri thức, khoa học kỹ thuật hiện đại, nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song đây là đối tượng đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách, nếu không được giáo dục, định hướng tốt về tư tưởng chính trị, mục tiêu lý tưởng, kiến thức, kỹ năng sống,... rất dễ dẫn đến sai lệch về nhận thức, hành động, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, thờ ơ về chính trị, nhất là trước tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, mạng xã hội; sự tuyên truyền, kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cần tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lịch sử, truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc; ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị,… giúp các em nhận thức rõ giá trị của độc lập, tự do, sự hy sinh của các thế hệ ông cha để giành độc lập, tự do cho đất nước; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng động cơ đúng đắn, quyết tâm trong học tập, rèn luyện cho sinh viên. Để đạt hiệu quả cao, cùng với giảng dạy các chuyên đề về quốc phòng và an ninh, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: tọa đàm, trao đổi; xem phim tài liệu; mời nhân chứng lịch sử nói chuyện truyền thống; thông tin thời sự trong nước, quốc tế; tham quan bảo tàng; các đơn vị Quân đội,... nhằm củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sinh viên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết cho sinh viên. Đây là nội dung rất quan trọng trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, trong đó có sinh viên, bởi xây dựng, củng cố tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục ngay từ thời bình. Nhiệm vụ này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vấn đề củng cố quốc phòng rất là quan trọng, chớ không phải hòa bình rồi là không cần củng cố quốc phòng”7 và thực tiễn cũng cho thấy, thanh niên, sinh viên là lực lượng quan trọng, nguồn lực có chất lượng bổ sung cho quân đội để tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khi tình huống xảy ra. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay cần trang bị hệ thống kiến thức toàn diện về quốc phòng, an ninh, những kỹ năng quân sự cơ bản cho sinh viên, nhất là rèn luyện thuần thục các động tác kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho người học. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với đối tượng sinh viên và sự phát triển của thực tiễn, bảo đảm sự liên thông, không trùng lặp; cập nhật kịp thời tư duy, nhận thức mới của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự, các hình thái, phương thức tác chiến mới, v.v.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm cần quan tâm đầu tư kinh phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của môn học. Tăng cường phối hợp với các học viện, nhà trường Quân đội để tận dụng, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ quá trình giảng dạy. Chú trọng ứng dụng những thành tựu, tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số vào công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên.

Ba là, chú trọng định hướng nhận thức, hướng dẫn hành động cho sinh viên trong thực tiễn. Nói chuyện tại buổi Lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Bác đã ân cần chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đỏi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?”8. Do đó, để thanh niên, sinh viên có nhận thức, suy nghĩ đúng, hành động đúng thì cùng với nâng cao chất lượng toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm chú trọng hướng dẫn sinh viên học tập, trưởng thành về tư duy, hành động; trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết; nâng cao thể lực, sức khỏe thông qua giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Thường xuyên cập nhật tình hình thời sự trong nước, quốc tế, những thông tin mới về quốc phòng, an ninh; xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng; có nhận thức đúng về quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng và an ninh của Đảng, Nhà nước ta; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia tuyển chọn, tuyển dụng, tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm phân tích làm rõ cách phân biệt đâu là đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam, định hướng nhận thức tư tưởng, hành động, khả năng “nhạy cảm” về chính trị cho sinh viên trước những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước cũng như những xu thế, trào lưu mới xuất hiện trên mạng xã hội, v.v. Thông qua đó, giúp các em sinh viên chủ động tập hợp, kết nối, tổ chức các phong trào, hoạt động mang tính dẫn dắt, định hướng suy nghĩ, hành động tích cực trong thanh niên, sinh viên, tạo hiệu ứng, lan tỏa trong xã hội. Đồng thời, có thái độ kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nhận thức lệch lạc về Đảng, lãnh tụ, chế độ xã hội của một bộ phận giới trẻ; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động.

Tiếp tục quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hiện nay, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống./.

Đại tá, TS. PHAN XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm
Hà Nội 2 (tapchiqptd.vn)

_____________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 89.

2 - Sđd, tr. 3.

3 - Sđd, tr. 534.

4 - Sđd, tr. 35.

5 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 156.

6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 612.

7 - Sđd, Tập 9, tr. 436.

8 - Sđd, tr. 265.    




 

Tác giả: Hỷ Thước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây